Hiển thị các bài đăng có nhãn TinTucPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TinTucPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng

Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới - phần 2 - Tiềm năng và triển vọng

Phần 2 - Tiềm năng và triển vọng
Chú trọng nguồn lực tự nhiên
Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực quan trọng và điểm mạnh của tỉnh Bình Thuận so với các địa phương khác vùng duyên hải miền Trung. Bình Thuận là 1 trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ kể cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quan trọng hơn, tỉnh còn nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc – Nam, là tuyến hành lang kết nối các tuyến hành lang kinh tế phía Bắc với hành lang kinh tế phía Nam tham gia vào tuyến hành lang xuyên Á, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ (và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), với khoảng cách không quá xa đến trung tâm phát triển lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bình Thuận là một tỉnh tiếp nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với biển Đông rộng lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. 
Bình Thuận có điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú có khả năng huy động, khai thác, sử dụng vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Với bờ biển dài 192 km, ngoài khơi có đảo Phú Quý với diện tích 16 km2 nằm cách Phan Thiết 56 hải lý, điều kiện khí hậu thuận lợi, ít mưa bão sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Thuận phát triển các ngành kinh tế từ biển như khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Trong đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng tầm cỡ quốc gia và quốc tế; phát triển cảng biển gắn với kết hợp hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn hơn. Không gian và nguồn lợi từ biển đã và đang được các ngành kinh tế của trung ương, tỉnh quan tâm khai thác, phát triển và từng bước phát huy hiệu quả. Trong tương lai, vùng ven biển sẽ trở thành vùng động lực thúc đẩy việc phát triển các đô thị, khu du lịch; khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ven biển; các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG và hệ thống cảng biển, tuyến đường ven biển. Theo quy hoạch và định hướng thì các ngành ưu tiên phát triển ở khu vực này là du lịch, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ logistics. Đối với du lịch, Bình Thuận xác định thế mạnh về biển và cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch đẳng cấp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chữa bệnh, thể thao biển, MICE. Không xa nữa du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kết nối hạ tầng liên vùng
Bình Thuận có hệ thống hạ tầng giao thông với đa dạng loại hình vận tải như các tuyến đường bộ QL1, QL28, QL55 và hệ thống đường tỉnh đã và đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp; đường sắt Bắc - Nam hiện có và các cảng biển Vĩnh Tân, Phan Thiết đi vào hoạt động từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ hạ tầng của doanh nghiệp và nhân dân. Các công trình năng lượng quốc gia được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, cùng với các công trình hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp năng lượng xanh, sạch tạo cho Bình Thuận có mạng lưới hạ tầng tương đối đồng bộ.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng quốc gia đã được quy hoạch và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh như tuyến đường bộ cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết đi qua; cảng biển Sơn Mỹ và cảng hàng không sân bay Phan Thiết; đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi với các vùng và cả nước, nhất là các vùng kinh tế năng động; kết nối phát triển kinh tế thuận lợi với các quốc gia, thị trường trong khu vực ASEAN và quốc tế. Cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối được hoàn thiện, làm gia tăng nhanh hơn hiệu ứng lan tỏa phát triển, nhất là các hoạt động công nghiệp, dịch vụ như: giáo dục đào tạo, y tế, du lịch, logistics, tỉnh sẽ tiếp tục học tập, kế thừa, đổi mới sáng tạo từ các trung tâm kinh tế lớn như vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cùng với thị trường hàng hóa, dịch vụ rộng lớn, cơ cấu “dân số vàng” là cơ hội cho Bình Thuận thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Hình thành các khu du lịch hiện đại ven biển.
Được biết, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được xây dựng) là cơ hội cho Bình Thuận hoạch định phương án, quản lý phát triển và định hướng cho các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội từ những chủ trương, chính sách mang lại. Tỉnh Bình Thuận hiện đang tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công. Quan tâm tháo gỡ điểm nghẽn do yếu tố con người, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Quy mô và chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian qua đang trở thành một trong những nguồn tài lực quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh phát triển mới, cùng với cơ hội mở rộng thị trường do liên kết, hợp tác phát triển, việc quản lý, khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên hợp lý hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho Bình Thuận nhiều triển vọng phát triển các ngành: Khai thác, nuôi trồng và công nghiệp chế biến thủy, hải sản; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai khoáng (chế biến sâu titan, dịch vụ dầu khí...). Theo đó, phát triển công nghiệp điện, trở thành Trung tâm năng lượng của quốc gia; dịch vụ cảng biển gắn với hình thành các đô thị, các khu công nghiệp và cung cấp dịch vụ logistics; phát triển mô hình các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; phát triển các đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế trong thời gian đến.

Có thể nói “đường lớn đã mở” cho Bình Thuận. Trong tương lai gần, mảnh đất từng mệnh danh “khô, khó, khổ” sẽ chắc chắn phát triển nhanh, mạnh, bền vững và đi lên, khi biến những khó khăn thành lợi thế như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra.

Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới - phần 1

Từ cơ cực trở thành cực phát triển
Kể từ sau khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Thuận đã vượt khó, vươn lên và từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ. Hiện nay tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng bước đầu được củng cố, tạo tiền đề cho Bình Thuận phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.

Những bước phát triển vừa qua với các nhân tố mới như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, năng lượng tái tạo… đã và đang từng bước đưa Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới.

Chuyện chưa bao giờ cũ
Từ cuối những năm thập niên 90, khi mới chập chững vào nghề báo, tôi đã đọc nhiều bài của cố nhà báo Trần Bạch Đằng trên báo Bình Thuận. Ông từng ví von: Bình Thuận nằm ở vùng cực Nam Trung bộ, mảnh đất khô cằn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nên việc “cực” khổ, gian nan là không thể tránh khỏi. Vậy mà, từ một vùng đất cơ cực, gian khó, “thừa nắng, thiếu mưa”, hạn hán cục bộ triền miên ngày nào, giờ đây Bình Thuận đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cực phát triển mới ở khu vực.
Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết
Thành quả ấy đến từ tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nhận thức, hành động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trải qua từng thời kỳ. Đó là khát vọng vươn lên của quân và dân Bình Thuận, khẳng định ý chí, nỗ lực, quyết tâm không đầu hàng số phận mà thiên nhiên đã “ưu ái” dành cho mảnh đất này: Có cái nắng, có cái gió nhưng thiếu nước. Câu chuyện về hành trình đi tìm nước cho Bình Thuận cũng có thể trở thành một kỳ tích của các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà. Hồi đó tôi khá may mắn khi được cơ quan cử tháp tùng đồng chí Huỳnh Văn Tí (lúc ấy là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) dự nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, tiếp các đoàn công tác của các bộ, ngành Trung ương đến tỉnh làm việc. Và hầu như các cuộc tiếp xúc, cử tri đều kêu nhiều nhất là nước sinh hoạt và nước sản xuất, vấn đề cấp bách nhất của tỉnh lúc bấy giờ được lãnh đạo tỉnh xác định phải giải quyết là: Nước, nước và nước. Bằng các mối quan hệ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các bộ ngành, Bình Thuận đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình, hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Đến nay hệ thống thủy lợi đã được “nối mạng”, mở rộng khắp nơi, về cơ bản không còn lo chuyện thiếu nước.
Hệ thống thủy lợi Tà Pao
Công nghiệp phát triển khá nhanh
Ngành công nghiệp Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng khá cao, với giá trị tăng thêm trong giai đoạn 1992 - 2022 bình quân 15,39%/năm; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (từ 9,58% năm 1992 lên 30,27% năm 2022). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Các sản phẩm sản xuất đều tăng, trong đó sản phẩm tăng khá cao như: Điện phát ra (gấp 10.312,5 lần); thủy sản đông lạnh (gấp 46,69 lần); sản phẩm may mặc (gấp 96,77 lần). Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, một số sản phẩm lợi thế tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường và tăng trưởng nhanh như: Hải sản chế biến, nước khoáng Vĩnh Hảo, muối công nghiệp… đã có thêm một số sản phẩm mới như: Điện gió, điện mặt trời, sản phẩm sản xuất từ nhựa composite, đồ gỗ trang trí nội thất, tole mạ màu, giấy dính cao cấp, chế biến khoáng sản titan…

Tiềm năng về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo được đầu tư, phát huy hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao (tăng bình quân 42,23%/năm). Đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.

Bình Thuận đã từng bước hình thành các khu, cụm công nghiệp theo hướng thu hút các ngành nghề gắn liền vùng nguyên liệu và lợi thế của từng địa phương; nhiều công trình, dự án công nghiệp đã được triển khai đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đến nay, đã có 9 khu công nghiệp được phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích 3.003,43 ha. Trong đó, 8 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 6 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động (Phan Thiết 1, 2; Hàm Kiệm 1,2; Sông Bình, Tuy Phong), thu hút được 89 dự án đầu tư (trong đó có 28 dự án FDI), với tổng mức đầu tư 16.192,54 tỷ đồng và 231,08 triệu USD, diện tích cho thuê 277,74/ 734,9 ha, đạt tỷ lệ 37,79% diện tích các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng. Toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp đã thu hút, bố trí 173 dự án đầu tư với tổng diện tích 268,2 ha, chiếm khoảng 35,66% diện tích đất công nghiệp.
Giá trị sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng nhanh (trong ảnh:  dây chuyền sản xuất in ấn ở Bắc Bình)
Giá trị sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng nhanh (trong ảnh:  điện gió ở Bắc Bình)
Ấn tượng với du lịch
Du lịch phát triển nhanh, nhất là sau sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra ngày 24/10/1995 đã mở ra triển vọng phát triển mới. Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu du lịch quốc gia Mũi Né nâng cao chất lượng, giữ vững được thương hiệu và uy tín; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là Trung tâm Du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia. Đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc khu vực ven biển, trong đó có một số dự án có quy mô đầu tư lớn, tổ hợp du lịch - dịch vụ. Đến nay, đã có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 70.220 tỷ đồng, trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, golf…), du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa… Dịch vụ lữ hành, vận chuyển hành khách du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống được tổ chức gắn với yêu cầu phát triển du lịch. Hình ảnh, thương hiệu Khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết với nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã được khẳng định đối với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch khá cao. Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,404 triệu lượt khách, gấp 512,77 lần so với năm 1992, tăng bình quân 26%/năm, trong đó khách quốc tế 774 ngàn lượt khách, gấp 80,49 lần so với năm 1992, tăng bình quân 17,65%/năm; doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, bằng gấp 2.515,89 lần so với năm 1992, tăng bình quân 33,64%/năm.

Những con số, số liệu bao giờ cũng xơ cứng, khô khan song nó dẫn chứng cho sự thay đổi toàn diện của Bình Thuận trong 3 thập kỷ vừa qua.
Du lịch Bình Thuận luôn thu hút du khách với điểm đến thân thiện, hấp dẫn.

Bình Thuận khởi công khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (30.08.2022)

Chiều 30/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát lệnh khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 có diện tích hơn 1.000 ha ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Chiều 30/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và đoàn công tác đã bấm nút khởi công Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ I tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 ngày 30/8.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bình Thuận cần dựa vào 3 yếu tố con người, thiên nhiên và lịch sử vùng đất để phát triển xanh; thu hút đầu tư công nghiệp năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật; triển khai thi công bảo đảm an toàn, bảo đảm các vấn đề về môi trường, hoàn thành với chất lượng công trình tốt nhất và đúng tiến độ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa sự quan tâm và hỗ trợ tích cực cho Bình Thuận, hướng dẫn và hỗ trợ một cách thiết thực. Ông yêu cầu tháo gỡ nhanh các khó khăn, ách tắc để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện cho dự án KCN Sơn Mỹ 1 Hàm Tân triển khai thuận lợi.

KCN Sơn Mỹ I sở hữu vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia như QL1, Ql55, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, là cửa ngõ liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phối cảnh Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 sau hoàn thành.
Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 được chọn là công trình khởi công chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022). Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 1 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ làm chủ đầu tư có tổng diện tích hơn 1.000 ha.

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước đây, dự án có tổng vốn khoảng 2.300 tỷ đồng, tuy nhiên thời gian qua chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư có biến động lớn và tính toán sau khi hoàn thành thiết kế chi tiết, hiện tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.000 tỷ đồng…

Theo định hướng, KCN Sơn Mỹ 1 sẽ lấy năng lượng làm trung tâm và được đầu tư phát triển là KCN thông minh, từ đó khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý cũng như tiềm năng của dự án. Khi hình thành được kỳ vọng trở thành tâm điểm phát triển kinh tế phía nam Bình Thuận và khu vực lân cận…

(Nguồn Báo Giao Thông https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-bam-but-khoi-cong-kcn-son-my-1-o-binh-thuan-d564185.html)

Bình Thuận-Hội tụ xanh

Theo dự thảo đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh, trong năm tới đây sẽ có rất nhiều hoạt động được tổ chức tập trung tại địa phương. Do vậy công tác truyền thông, quảng bá sự kiện này cũng được Bình Thuận thực hiện thường xuyên, nhất là bám sát chủ đề nhằm truyền tải được thông điệp chủ đạo: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”…

Theo đó, ý nghĩa chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” là tinh thần chính của Năm Du lịch quốc gia 2023, được kỳ vọng tạo cú hích mạnh mẽ để du lịch Bình Thuận “cất cánh” trong giai đoạn mới. Đây còn là sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, qua đó sẵn sàng chuẩn bị đón du khách gần xa đến với Bình Thuận nói riêng cũng như Việt Nam nói chung… Thông qua việc đăng cai tổ chức, Bình Thuận sẽ là nơi kết nối và hội tụ giữa các tỉnh trong khu vực lân cận, xa hơn nữa là khu vực phía Bắc và các nước châu Á Thái Bình Dương để gắn kết cùng nhau phát triển kinh tế lẫn du lịch.
Sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 do Bình Thuận đăng cai tổ chức được kỳ vọng tạo sức hút mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023 có hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, hoạt động do bộ và UBND tỉnh phối hợp tổ chức tại địa phương, hoạt động do một số tỉnh thành bạn cùng địa phương phối hợp tổ chức. Riêng hoạt động do bộ và UBND tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức tại địa phương gồm một số sự kiện chính là lễ công bố "Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh" gắn với lễ hội Countdown (dự kiến ngày 31/12/2022). Tiếp đó là Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh (đầu tháng 2/2023), Lễ trao giải chung kết cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045” (tháng 9/2023), Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh” (cuối tháng 12/2023).

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023, dự kiến còn có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế được phối hợp tổ chức trên địa bàn Bình Thuận. Bao gồm: Lễ hội Ẩm thực quốc tế (tháng 4/2023), Trại hè Summer Camp (tháng 6/2023), Ngày hội thể thao quốc tế Novaworld (tháng 7 - 8/2023), Liên hoan các ban nhạc quốc tế tại Bình Thuận (tháng 9 hoặc 10/2023), Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới (cuối năm 2023)… Hay như giải Marathon và cự ly dài (giải Báo Tiền Phong), giải Bi - da vô địch Cúp CLB quốc gia (vòng loại và chung kết), giải Đua thuyền Rowing và Canoeing CLB toàn quốc, giải Vô địch các CLB Lân Sư Rồng quốc gia, giải Golf vô địch quốc gia, giải Vô địch Vovinam quốc gia, giải Sailing và Sup vô địch CLB toàn quốc… Ngoài ra các sở ngành của địa phương cũng sẽ phối hợp tổ chức một số sự kiện liên tỉnh như giải Mô tô địa hình Ninh Thuận - Bình Thuận, giải thuyền buồm hữu nghị Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, tổ chức đoàn Famtrip khảo sát du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng…

Đối với công tác truyền thông quảng bá Năm Du lịch quốc gia 2023, tới đây Bình Thuận sẽ phối hợp thực hiện liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó tập trung bám sát chủ đề nhằm truyền tải được thông điệp chủ đạo “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, tạo sự lan tỏa rộng rãi đến du khách trong nước lẫn quốc tế. Vì vậy địa phương đã tính đến tổ chức thực hiện những nội dung liên quan: Thiết kế bộ nhận diện Năm Du lịch quốc gia - Bình Thuận 2023 thể hiện “Hội tụ xanh”, gồm biểu tượng (Logo), khẩu hiệu (Slogan), hình ảnh… Song song đó cũng dự kiến xúc tiến một số cuộc thi (thiết kế Quà tặng du lịch, cuộc thi Ảnh đẹp Bình Thuận) gắn với chủ đề này và đẩy mạnh tuyên truyền trực quan (xây dựng cổng chào, biển chào, hệ thống pano tấm lớn...), quảng bá sự kiện qua các cơ quan truyền thông, trên Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, hệ thống tin nhắn SMS.

Thông qua truyền tải thông điệp “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 do địa phương đăng cai tổ chức được kỳ vọng tạo sức hút mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo…

(Nguồn Báo Bình Thuận)

Đường Võ Nguyên Giáp: Tuyến đường huyết mạch phát triển du lịch Phan Thiết

Mũi Né - Phan Thiết được công nhận khu du lịch quốc gia vào năm 2020 đã đưa du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện tạo nên dáng dấp của đô thị loại I Phan Thiết năng động, hiện đại, trong đó phải kể đến tuyến huyết mạch cho ngành du lịch là đường Võ Nguyên Giáp.

Cách trung tâm thành phố 22 km về hướng đông bắc, Mũi Né được nối liền với thành phố biển Phan Thiết bởi 2 con đường Nguyễn Đình Chiểu (đường 706) và Võ Nguyên Giáp (hay còn gọi là đường 706B). Trong đó, đường Võ Nguyên Giáp là đường trọng điểm phát triển du lịch của TP. Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung. Đường Võ Nguyên Giáp khởi đầu tại vòng xoay Nguyễn Thông, giáp với đường tỉnh 706 thuộc phường Phú Hài và kết thúc tại vòng xoay Nguyễn Hữu Thọ, giáp với đường tỉnh 716 thuộc phường Mũi Né. Đường này được dân địa phương gọi tắt là đường ven biển hay đường 706B, dẫn du khách từ Phan Thiết ra Mũi Né. Đường Võ Nguyên Giáp đi qua các địa phương: Phú Hài, Hàm Tiến, Thiện Nghiệp và Mũi Né. Đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 16 km đi qua một số địa danh, như: Đại học Phan Thiết, Đồi Cát Hồng, Lâu đài Rượu vang. Đi trên đường Võ Nguyên Giáp nhìn về hướng đông, du khách sẽ thấy bãi biển Mũi Né ở xa xa.
Xe lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp.
Theo người dân Phú Hài, nhiều năm trước đây, do hiện trạng tuyến đường này có bề rộng mặt đường chỉ 6m, khá hẹp, nhưng mật độ phương tiện và người tham gia giao thông hỗn hợp rất lớn, nhất là các dịp lễ, tết và những ngày cuối tuần du khách từ khắp nơi đổ về khá đông nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông. Ngoài ra, trải qua nhiều năm sử dụng, tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đô thị. Chính vì vậy, năm 2016, UBND tỉnh đã thông qua dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến từ trung tâm TP. Phan Thiết đến khu vực Hàm Tiến - Mũi Né. Đường Võ Nguyên Giáp cũng là tuyến đường chính kết nối sân bay Phan Thiết với trung tâm tỉnh Bình Thuận khi sân bay này đi vào hoạt động. Toàn tuyến có dải phân cách và dải an toàn ở giữa rộng 1m, vỉa hè được lát gạch rộng rãi 2 bên, cùng với hệ thống thoát nước và chiếu sáng theo tiêu chuẩn. Tuyến đường cũng được bố trí trồng cây xanh, hoa 2 bên tạo mỹ quan đô thị.
Hoa đỗ mai khoe sắc trên đường Võ Nguyên Giáp.
Nhiều đoàn khách du lịch chia sẻ: Mũi Né là một địa điểm đáng lưu tâm cho những người thích đi du lịch vì có nhiều cảnh đẹp, yên bình phù hợp cho những chuyến đi thư giãn cuối tuần. Đặc biệt, vào mùa xuân, Phan Thiết như khoác lên mình một màu sắc vô cùng mới mẻ, đẹp đẽ của hoa đỗ mai trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Loài hoa này khiến khung cảnh của thành phố biển đẹp như một bức tranh. “Một bên là đồi cát, một bên là biển xanh, dọc 2 bên đường Võ Nguyên Giáp là hàng cây đỗ mai, cảnh sắc tuyệt vời này chỉ có thể tìm thấy ở Phan Thiết” – một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết: Theo kế hoạch, đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đón khoảng 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,5 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2030, nơi đây đón khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt. Để đạt mục tiêu trên, thời điểm này, TP. Phan Thiết đang triển khai Đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch (Phan Thiết City tour) giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, sẽ phát triển, hình thành các tuyến, điểm tham quan du lịch một cách đồng bộ, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch chất lượng, có giá trị và thật sự hấp dẫn đối với du khách. Tuyến đường Võ Nguyên Giáp cũng nằm trong hệ thống tuyến du lịch ngoại thành đi qua TP. Phan Thiết với các điểm du lịch đang được khai thác và các điểm du lịch có tiềm năng khai thác như: Làng chài Mũi Né, Đồi Cát bay Mũi Né, Lâu đài Rượu vang, điểm du lịch văn hóa Fisherman Show, Bảo tàng nước mắm, Điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng, Làng chài Phú Hài…

(Nguồn Báo Bình Thuận Online)

Du lịch Bình Thuận: Đón hơn nửa triệu lượt khách trong tháng 7/2022

Du lịch Bình Thuận tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực khi mà lượng khách lẫn doanh thu từ hoạt động du lịch ghi nhận mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể trong tháng 7 này, toàn tỉnh ước đón 515.800 lượt khách, tăng 4,12% so với tháng trước đó và tăng 23,9 lần so cùng kỳ năm 2021 (riêng khách quốc tế có khoảng 5.600 lượt, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 10,9 lần so cùng kỳ năm trước). Như vậy tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch địa phương đã đón hơn 2.909.000 lượt khách, tăng 67,3% so cùng kỳ năm ngoái (trong đó khách quốc tế đạt 30.300 lượt, tăng gần 50% so cùng kỳ). Lượng khách tăng cùng với hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi cũng giúp doanh thu của ngành du lịch Bình Thuận trong 7 tháng qua ước đạt 5.417,2 tỷ đồng, tăng 38,58% so cùng kỳ năm 2021.
Bình Thuận tiếp tục đón lượng khách tăng cao so cùng kỳ
Được kết quả như trên là vì thời điểm này đang vào cao điểm du lịch hè, toàn ngành tập trung triển khai nhiều chương trình kích cầu bằng đa dạng gói sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn dành cho các đối tượng du khách. Đáng chú ý trong tháng này, Công viên giải trí Circus Land - NovaWorld Phan Thiết được đưa vào hoạt động với các trò chơi cao cấp cũng góp phần thu hút du khách đến với Bình Thuận…

(Nguồn: Báo Bình Thuận Online)

Năm Du lịch quốc gia 2023: Bình Thuận chủ động nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội

Sau khi được cấp thẩm quyền chính thức đồng ý cho Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, thời gian qua địa phương luôn chủ động và tích cực triển khai những nội dung liên quan.
Năm Du lịch Quốc gia 2023 sẽ là cơ hội tốt để du lịch Bình Thuận “cất cánh” vươn lên mạnh mẽ (Ảnh minh họa)
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp chỉ đạo sở, ngành chức năng khẩn trương chuẩn bị điều kiện cần thiết, sẵn sàng tổ chức đăng cai cũng như thực hiện một số hoạt động “điểm nhấn” cho Năm Du lịch quốc gia 2023. Riêng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận được giao chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu công tác triển khai tổ chức.
Năm Du lịch Quốc gia 2023 sẽ là cơ hội tốt để du lịch Bình Thuận “cất cánh” vươn lên mạnh mẽ (Ảnh minh họa)
Vào giữa năm nay, Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thực hiện chuyến khảo sát sản phẩm, điều kiện tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận. Dịp này, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác để thống nhất kế hoạch, đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, xúc tiến khảo sát cơ sở vật chất trước khi trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Qua đó xác định đây là sự kiện mang tầm quốc gia với tên gọi tiếng Việt là “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” với nhiều hoạt động quy mô lớn diễn ra trong năm tới.

Tại buổi họp báo định kỳ tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm được UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương về nội dung này. Cho biết hiện địa phương đang phối hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo đề án Tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Bình Thuận 2023 trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây sẽ là sự kiện kích cầu du lịch nội địa và sẵn sàng đón khách quốc tế trong bối cảnh bình thường mới, được kỳ vọng giúp du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch Bình Thuận “cất cánh” vươn lên mạnh mẽ…

Dự kiến trong khuôn khổ sự kiện có rất nhiều hoạt động quy mô được địa phương chủ trì, phối hợp tổ chức mà khởi đầu là Lễ công bố “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” gắn với Lễ hội Countdown diễn ra vào ngày cuối cùng năm nay (31/12/2022) tại trung tâm TP. Phan Thiết. Tiếp đó là Lễ khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” được tổ chức vào ngày 3/2/2023 tại Khu du lịch phía nam Phan Thiết (dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam). Còn tại Mũi Né - TP. Phan Thiết có các hoạt động: Lễ trao giải cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045” (tháng 9/2023), Lễ bế mạc “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” (dự kiến diễn ra vào ngày 30/12/2023 và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1).

Cùng với 4 hoạt động chính nêu trên, “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” còn có khoảng 16 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra xuyên suốt trong năm. Có thể kể đến: Giải Marathon và cự ly dài Giải “Báo Tiền Phong”, Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia, Giải Sailing và Sup vô địch CLB toàn quốc, Giải Đua xe đạp đường trường và địa hình trẻ quốc gia, Giải Golf vô địch quốc gia… Hay như Giải vô địch các CLB Lân Sư Rồng quốc gia, Lễ hội Ẩm thực quốc tế, Hội chợ Farm Market, Tuần lễ Vàng du lịch Bình Thuận - Hội tụ xanh, Tuần lễ Văn hóa đường phố. Ngoài ra còn có Ngày hội Thể thao quốc tế Nova World, gồm: Giải Marathon quốc tế - Nova World, Festival quốc tế về Yoga, Giải Golf hữu nghị quốc tế…

Theo dự thảo Đề án Tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Bình Thuận 2023, ngoài các hoạt động được địa phương triển khai thực hiện thì cũng có một số hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành chủ trì, phối hợp tổ chức… Như vậy với việc chủ động nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận có thể tạo bước đột phá trong phát triển du lịch thời hậu đại dịch Covid-19. Hướng tới thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước lẫn các quốc gia trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước - con người Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.

(Nguồn Báo Bình Thuận Online)

Khởi động công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2023 (28.05.2022)

Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có chuyến khảo sát sản phẩm, điều kiện tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận. Dịp này, đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Phan Thiết về dự thảo Đề án tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 do Bình Thuận đăng cai.
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo đề án tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 với đoàn công tác.
Tại đây, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã nghe ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo đề án tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023. Theo đó xác định đây là sự kiện mang tầm quốc gia với tên gọi tiếng Việt là “Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” với nhiều hoạt động quy mô lớn diễn ra trong năm tới. Bao gồm: Lễ công bố, lễ khai mạc, lễ bế mạc “Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh”, lễ công bố kết quả vòng chung khảo và trao giải cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045”. Ngoài ra còn có 19 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được Bình Thuận phối hợp cùng đơn vị chức năng, các địa phương tổ chức hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023.
Lãnh đạo Vụ Lữ hành tham gia góp ý về dự thảo đề án.
Góp ý dự thảo đề án, lãnh đạo Vụ Thị trường du lịch, Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn (thuộc Tổng cục Du lịch) đề nghị địa phương tích cực phối hợp, liên kết vùng nhằm đa dạng sản phẩm, tăng cường truyền thông quảng bá. Bên cạnh đó quan tâm nghiên cứu thiết kế bộ nhận diện và tổ chức sớm lễ khai mạc “Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh” thay vì dự kiến diễn ra vào tháng 4/2023… Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cảm ơn và tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của đoàn công tác, qua đó tiếp tục phối hợp để khẩn trương hoàn thiện kế hoạch chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh trao đổi với địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023.
Trao đổi tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh ghi nhận nỗ lực của Bình Thuận trong việc phục hồi hoạt động du lịch cũng như sự chủ động đề nghị đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2023. Tới đây, địa phương cần phân công đơn vị làm đầu mối nhằm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh dự thảo đề án, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt… Liên quan vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết sẽ đồng hành cùng địa phương và hỗ trợ hết mức cho Bình Thuận trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội Tụ Xanh”…

(Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/khoi-dong-cong-tac-chuan-bi-cho-nam-du-lich-quoc-gia-2023-97987.html)

TinTucPhanThiet